Theo thạc sĩ Quyên, khói thuốc lá gây ra cái chết cho hàng triệu người mỗi năm. Hàng tỷ người hút thuốc và những người xung quanh cũng chịu đựng tác hại của thuốc lá không kém gì người hút.
Trong khói thuốc chứa hàng nghìn chất độc hại.
Thuốc lá được xem là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi, với khoảng 90% tổng số người chết vì căn bệnh này. Ngoài ra, thuốc lá còn là tác nhân gây ra các bệnh ung thư họng, thanh quản, thực quản, tuyến tuỵ, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột và trực tràng…
Tỷ lệ tử vong do các bệnh ung thư khác nhau trên nền người hút thuốc cao gấp hai lần người không hút thuốc. Người nghiện thuốc nặng có tỷ lệ chết vì ung thư cao gấp bốn lần so với người không hút.
Theo nghiên cứu ở Mỹ, khoảng 87% trong số 177.000 ca ung thư phổi mới mắc ở Mỹ năm 1996 là do thuốc lá, còn lại là do các nguyên nhân khác như: ô nhiễm môi trường, bệnh nghề nghiệp, ăn uống, cơ địa và các yếu tố di truyền.
Vậy trong thuốc lá có những thành phần nào gây ra các căn bệnh kinh khủng như thế?
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Lệ Quyên – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trong khói thuốc chứa các chất ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong đó bao gồm chất nhựa hắc ín, 7000 chất độc hoá học như Formaldehyde, Toluene… Trong đó chỉ điểm rõ 50 chất gây ung thư.
Ngoài ra trong khói thuốc còn có các chất phụ gia như amoniắc gây suy kiệt cơ thể, có trong các chất tẩy rửa nhà vệ sinh, các-bon mô nô-xít.
Đặc biệt khả năng gây nghiện thuốc lá là do Nicotin. Trung bình một điều thuốc chứa 1-3mg nicotin, tác động đến não bộ”.
Thạc sĩ, bác sĩ Lệ Quyên nhấn mạnh đến tác hại của nicotin. FDA xếp nicotin vào nhóm có tính chất dược lý gây nghiện chủ yếu, tương tự như ma tuý, heroin và cocain.
Cơ chế gây nghiện của nicotin chủ yếu là trên hệ thần kinh trung ương với sự có mặt của các thụ thể nicotin trên các cấu trúc não. Người hút thuốc lá chỉ cần 7 giây là nicotin đã kích thích lên não bộ.
Nicotin tác động lên các thụ thể ở hệ thống thần kinh với chất dẫn truyền thần kinh dopamine, một hoá chất chính trong não điều chỉnh mong muốn sử dụng các chất gây nghiện, gây bài tiết adrenaline (nhịp tim nhanh, co mạch ngoại vi, ức chế co bóp và chế tiết dịch vị dạ dày).
Thành phần khí CO có trong khói thuốc cũng vô cùng nguy hiểm. CO có nồng độ cao trong khói thuốc lá và sẽ được hấp thụ vào máu, gắn với hemoglobine với ái lực mạnh hơn 20 lần oxy.
Với người hút trung bình 1 bao thuốc mỗi ngày thì hàm lượng hemoglobine khử có thể tới 7-8%. Sự tăng hemoglobine khử làm chuyển dịch đường cong phân tách oxy-hemoglobin dẫn đến giảm lượng oxy chuyển đến tổ chức gây thiếu máu và góp phần hình thành các mảng xơ vữa động mạch.
Ngoài ra, thạc sĩ Quyên cho biết, khói thuốc lá chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ. Các chất kích thích này gây nên các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển. Các thay đổi này làm tăng tiết nhày và giảm hiệu quả thanh lọc của thảm nhày-lông chuyển. Phần lớn các thay đổi này có thể hồi phục được khi ngừng hút thuốc.Các chất gây ung thư trong khói thuốc lá gồm cả các hợp chất thơm có vòng đóng như Benzopyrene. Benzen là hóa chất thường có trong thuốc trừ sâu và xăng. Tuy nhiên, benzen ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe của con người là qua thuốc lá. Đây là một trong những hóa chất trong khói thuốc lá gây ung thư.
Các hoá chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá huỷ tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi chuyển thành ác tính hoá.