Tuy nhiên, theo Quỹ PCTHTL, đến nay, mặc dù ý thức của người dân về tác hại của thuốc lá có chuyển biến, nhưng ở nhiều bộ phận dân cư vẫn còn chậm, dẫn đến tình trạng hút thuốc trong nhà, nơi công cộng, bệnh viện, trường học và nhất là tại các nhà hàng, khách sạn… vẫn còn nhiều. Công tác PCTHTL vẫn gặp phải một số khó khăn.
Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, hiện nay, thuế thuốc lá tại Việt Nam thấp gần nhất so với các nước trong khu vực (chỉ cao hơn Campuchia). Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam là 65%, nếu tính trên giá bán lẻ mức thuế này chỉ chiếm 41,6%.
Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia) và rất thấp so với các nước phát triển, cụ thể, theo số liệu của tổ chức y tế thế giới:
Theo Điều tra Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) 2015, giá trung bình của một bao thuốc lá (20 điếu) của Việt Nam là 11.819 đồng/bao. Mức giá này cũng rất rẻ so với các nước trong khu vực như của Singapore (192.000 đồng/bao); của Philipines (32.000 đồng/bao), Malaysia (74.000 đồng/bao). Hơn nữa, sau khi đã điều chỉnh lạm phát, mức giá thuốc lá của chúng ta có xu hướng giảm gần 1.000 đồng/bao năm so với năm 2010.
Thực tế cũng cho thấy, hiện nay trên thị trường, thuốc lá đang được bày bán tràn lan, mọi người có thể dễ dàng tiếp cận và mua thuốc lá ở nơi công cộng, đặc biệt là quán cà phê, nhà hàng và địa điểm vui chơi khác… đang gây ra những khó khăn, cản trở nỗ lực trong việc cai nghiện thuốc lá, giảm tỷ lệ hút thuốc tại nước ta (có thể so sánh việc mua thuốc lá quá dễ ở Việt Nam và việc mua thuốc lá khó ở các nước phát triển).
Trong khi đó, trên thị trường Việt Nam lại xuất hiện một số sản phẩm mới như shisha, Vape, thuốc lá điện tử và được quảng bá mạnh mẽ trên mạng internet về sự hấp dẫn và sành điệu khi sử dụng. Thậm chí, các sản phẩm này còn được quảng cáo là có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống. Điều này không những thu hút thanh thiếu niên tham gia sử dụng mà còn gây những hiểu lầm về sự an toàn cho sức khoẻ khi sử dụng các sản phẩm này.
Bên cạnh đó, hành vi vi phạm quy định trưng bày thuốc lá diễn ra phổ biến tại các điểm bán lẻ… cũng là một khó khăn cho công tác PCTH TTL. Theo điều tra năm 2015 của Trường Đại học Y tế công cộng, hơn 90% các điểm bán lẻ thuốc lá đang vi phạm quy định trưng bày quá một bao, một tút, một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá, tạo thành các điểm quảng cáo sản phẩm thuốc lá, thu hút người sử dụng (vi phạm Điều 25 Luật PCTHTL).
Bộ Y tế cho biết, để công tác PCTHTL đạt hiệu quả, thời gian tới, các sở ban ngành, cơ quan, đơn vị cần thực hiện tuyên truyền các quy định của Luật PCTHTL. Cấm các hình thức quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức. Cần tuyên truyền ý nghĩa của việc thực hiện môi trường sạch không khói thuốc, các mô hình, tấm gương cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các quy định về môi trường không khói thuốc, tấm gương cá nhân bỏ thuốc…
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tiếp tục triển khai thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về Luật PCTHTL. Tuy nhiên, việc thực thi luật đòi hỏi sự vào cuộc kiên quyết hơn nữa của các cấp chính quyền, cơ quan công an, đội ngũ quản lý thị trường nhằm tạo một sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả công tác PCTHTL.
Phương Anh