Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai có hàng trăm bệnh nhân điều trị, trong số đó hầu như đều là những tín đồ của thuốc lá.
Mỗi ngày trung tâm hô hấp tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nặng bị tắc nghẽn phổi mãn tính, trong số đó 90% đều hút thuốc lá và có những người phụ nữ là nạn nhân của khói thuốc.
Ông Nguyễn Văn Lịch, 66 tuổi, trú tại Phú Thịnh, Kim Động, Hưng Yên đang cố kéo từng hơi thở bằng chiếc máy thở. Con gái ông thường xuyên phải ngồi bên cạnh để nâng ông ngồi lên.
Trong tiếng thở gấp, ông Lịch cho biết ông bị tắc nghẽn phổi mãn tính hàng chục năm nay và lần này bị nặng quá, gia đình phải đưa ông lên Bệnh viện Bạch Mai. Như cố gắng chiến đấu với những cơn khó thở, ông chỉ thều thào “Ngày còn trẻ tôi hút thuốc lào, sau này bỏ được thuốc lào thì quay sang hút thuốc lá. Ngày nào cũng hai bao thuốc lá, không kể ngày mùa hay nông nhàn”.
Dù chỉ làm nông nghiệp nhưng ông có thể bớt ăn, bớt tiêu để dành tiền mua thuốc lá hút. Với ông thiếu thuốc thì ông không thể làm được gì, thấy nhạt mồm nhạt miệng.
Cách đây 10 năm ông ho nặng phải đi viện. Lúc ấy bác sĩ chẩn đoán lao phổi. Từ đó mỗi năm vài lần ông đi viện vì những cơn khó thở gấp, tăng huyết áp.
Mỗi lần đi viện, bác sĩ lại khuyên ông nên từ bỏ thuốc lá. Ông Lịch cũng cố gắng từ bỏ vì muốn mình sống khoẻ hơn. Dù bỏ thuốc, căn bệnh viêm phổi mãn tính vẫn đeo đuổi ông mãi. Đến giờ, ông phải nhờ có bình ôxy để hỗ trợ.
Lên đến Bệnh viện Bạch Mai, nhìn những người bệnh đang điều trị như mình, ông Lịch mới thấy sức tàn phá của làn khói trắng. Ngày xưa, ai cũng nghĩ hút thuốc lá là sang, để tăng hiệu quả công việc, đến khi phát hiện ra tác hại của nó thì đã quá muộn màng. Những ngày này, chỉ ngồi thở thôi đã mệt, ông lại cảm thấy ân hận. Các con của ông cũng đang bỏ thuốc lá dần vì chỉ lên đến viện mới thấy sợ nó.
Bác sĩ Quyên đang cấp cứu cho bệnh nhân Hứa Viết V. |
Tại phòng cấp cứu của Trung tâm Hô hấp, 2-3 nhân viên y tế đang xúm xít vào cấp cứu cho ông Hứa Viết V. 65 tuổi trú ở thành phố Lạng Sơn. Cơ thể ông V. suy kiệt nặng, chỉ còn da bọc xương. Các con ông nhìn cha đang chụp máy thở chỉ biết quay mặt đi vì thương mà không thể giúp gì cha của mình. Bác sĩ đang phải điều trị cả dinh dưỡng lẫn bệnh tắc nghẽn mạch phổi cho ông V.
Ông V. cũng là nạn nhân của tác hại thuốc lá. Lúc còn khoẻ ngày nào ông cũng “đốt” cả bao thuốc lá. Trước đây còn trẻ, ông V. làm thợ mỏ nữa nên bệnh về phổi trở nên nặng hơn. Ở bệnh viện tuyến dưới bác sĩ chẩn đoán ông bị lao phổi, thể trạng suy kiệt nhưng khi lên tuyến trên, bác sĩ phát hiện ông bị tắc nghẽn phổi mãn tính. Lúc này, bệnh đã ở giai đoạn muộn nên bệnh nhân phải thở bằng máy.
Thoi thóp nằm rồi ngồi để thở, người gày teo tóp đó là cảnh tượng của không ít bệnh nhân ở trung tâm này. Đa số họ đều là bệnh nhân của tắc nghẽn phổi mãn tính và từng nghiện nặng thuốc lá nặng. Có người khi phát hiện bệnh đã cai thuốc lá nhưng có người vẫn không cai được vì đã nghiện quá nặng.
Căn bệnh gần như ung thư
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Lệ Quyên – Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cho biết hút thuốc lá không chỉ gây ung thư phổi, phế quản và các bệnh lý ung thư, tim mạch khác mà hút thuốc lá còn gây ra bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính. Đây là một bệnh không thể chữa khỏi, diễn tiến chậm hơn ung thư nhưng người bệnh cũng khốn khổ chẳng kém gì bệnh ung thư.
Tại trung tâm hô hấp, các bệnh nhân nhập viện có liên quan đến khói thuốc lá như bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, có đợt cao điểm lên đến nửa khoa. Còn những ngày bình thường là 25-30% của khoa là bệnh nhân mắc tắc nghẽn phổi mãn tính, phần lớn là nam giới, đều hút thuốc. Chỉ có một số nhỏ phụ nữ không hút thuốc nhưng họ tiếp xúc với khí đốt, khói đốt, hút thuốc thụ động.
Thạc sĩ Quyên cho biết tắc nghẽn phổi mãn tính là bệnh mãn tính, tốc độ tiến triển bệnh nặng lên kéo theo các đợt tắc nghẽn cấp, chất lượng phổi suy giảm nhanh, cuộc sống của bệnh nhân suy giảm trầm trọng. Bệnh nhân chỉ ngồi và thở, họ gần như không làm được điều gì, thậm chí sinh hoạt cho bản thân họ cũng không làm được. Lúc đó, những sinh hoạt đơn giản nhất cũng trở thành xa xỉ với họ.
Khi phát hiện viêm tắc nghẽn phổi mãn tính, người ta có thể điều trị bằng các thuốc để giảm triệu chứng cho bệnh nhân. Nhưng theo thời gian chức năng phổi vẫn giảm đi. Bệnh tiến triển nặng lên dẫn đến suy hô hấp mãn tính phải thở máy, thở ô xy dài hạn tại nhà.
Nếu người mắc nghẽn phổi mãn tính phải ngừng hút thuốc lá thì tốc độ suy giảm chức năng phổi mới bớt suy giảm. Còn nếu tiếp tục hút thuốc thì mức độ giảm chức năng phổi càng tăng nhanh, sẽ phải thở máy nhiều hơn và ở viện nhiều hơn.
Theo Phương Thúy/Báo Infonet