Trang chủ / Tác Hại Của Thuốc Lá / Thuốc lá: Tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường

Thuốc lá: Tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường

(Cổng ĐT HND) – – Y học đã có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe, việc sử dụng thuốc lá cũng gây ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, xã hội và môi trường sống. Khói thuốc “sản xuất” ra nhiều hạt muội – yếu tố gây ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất đối với sức khoẻ con người – hơn cả khói diesel. Những người hút thuốc có lẽ không biết rằng lượng chất độc họ tạo ra khi hút 3 điếu thuốc nhiều gấp 10 lần lượng chất độc do một chiếc xe hơi thải ra.
Thuốc lá: Tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường
Hạn chế khói thuốc là biện pháp hữu hiệu nhất giúp bảo vệ môi trường
Hút thuốc là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường học, nơi công cộng… và ngoài trời do khói thuốc thải ra ngoài không khí hàng ngàn chất hóa học độc hại. Ngoài tác hại đối với sức khỏe thì thuốc lá cũng góp phần không nhỏ vào việc hủy hoại môi trường. Các đầu mẩu thuốc lá và vỏ bao sau khi sử dụng sinh ra một khối lượng rác thải lớn; ước tính mỗi năm có tới 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá thải ra ngoài môi trường. Không chỉ là rác thải bẩn, đầu lọc thuốc lá còn gây hại cho các sinh vật dưới nước nếu bị bỏ lại trên bãi biển, sông, hồ hoặc trôi xuống cống thoát nước vì phải mất từ 5 – 7 năm mới phân hủy hết. Ở Việt Nam, từ lâu hút thuốc lá, thuốc lào đã trở thành thói quen của người dân, chúng ta thường bắt gặp ở những quán nước, quán ăn, công trường, cơ quan, đơn vị… nhiều người, mọi lứa tuổi đều phì phèo điếu thuốc trên môi. Hàng năm, có 40.000 người Việt Nam chết vì các bệnh do thuốc lá. Một khảo sát của Bộ Y tế (công bố tháng 5-2010) được tiến hành với hơn 2.000 người có và không hút thuốc lá tại 5 tỉnh, thành (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Tháp và Thái Bình) cho thấy: 75% số người hút thuốc nói họ có nhiều khả năng bỏ thuốc hơn sau khi xem thông điệp truyền thông bằng hình ảnh; gần 80% số người được hỏi cho biết phản đối việc phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nơi công cộng. Với tỷ lệ 56% nam giới hút thuốc lá; 2/3 số phụ nữ và 1/2 số trẻ em bị ảnh hưởng thụ động của khói thuốc lá, Việt Nam là một trong những nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Có thể thấy, tác động của thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trườngrõ rệt như: Tàn phá rừng, làm bạc màu đất: Qua thống kê, người ta thấy mỗi năm có khoảng 200.000 ha rừng trên thế giới đã bị chặt phá để lấy đất trồng thuốc lá. Mỗi năm người ta phải chặt 5 triệu ha rừng hay 600 triệu cây xanh để lấy gỗ làm củi sấy thuốc lá. Rừng bị tàn phá cho mục đích sấy thuốc lá chiếm tới 1,7% diện tích rừng toàn cầu và khoảng 4,6% diện tích rừng của 66 nước trồng thuốc lá trên thế giới. Ở Việt Nam được xếp ở hạng trung bình với khoảng 1,4% diện tích rừng bị phá mỗi năm để sản xuất thuốc lá. Những nơi trồng nhiều cây thuốc lá thường có tình trạng đất trống trở nên bạc màu, cằn cỗi…, đặc biệt là những nơi trồng thuốc lá ở vùng đồi dốc. Trung bình mỗi vụ trồng thuốc lá dài ba tháng, người nông dân phải sử dụng 16 loại thuốc trừ sâu và nhiều loại phân bón hóa học. Về lâu dài, việc sử dụng nhiều hóa chất sẽ càng làm đất bị chai cứng, ảnh hưởng xấu đến môi trường và những nông dân trồng thuốc dễ bị mắc các bệnh liên quan đến việc sử dụng những hóa chất này. Tăng lượng chất thải độc hại, rác thải: Quá trình sản xuất thuốc lá tạo ra lượng chất thải rất lớn, trong đó ngoài những chất hữu cơ thông thường như bụi than, giấy vụn… và nhiều chất độc khác có trong bụi thuốc lá và môi trường không khí tại nơi sản xuất và khu vực lân cận, bao gồm chất dầu, chất dẻo và amoniac, etylen, glycol, nicotin… Ở Mỹ, các nhà máy thuốc lá đứng thứ 18 trong danh sách các ngành công nghiệp có chất thải hóa học độc hại. Mỗi năm, ngành công nghiệp thuốc lá trên thế giới thải ra khoảng 300 triệu kg nicotin, một trong những chất mà Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ cho rằng rất độc hại. Trong khi đó, ở nước ta vẫn còn nhiều nhà máy sản xuất thuốc lá nằm trong các khu vực đông dân cư. Mặc dù doanh nghiệp đã chú ý giảm thiểu ô nhiễm như lắp đặt các hệ thống thiết bị hút gió, thông gió, song hoạt động của các nhà máy này vẫn ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và sức khỏe người dân địa phương. Bên cạnh sự ô nhiễm không khí từ khói thuốc do người hút, đầu mẩu thuốc lá vứt trong môi trường phải mất ít nhất 18 tháng mới phân hủy và có thể gây rò rỉ các chất độc hại ngấm vào đất. Mỗi năm có khoảng 275 tỷ vỏ bao thuốc lá được sản xuất và thải ra môi trường sau khi sử dụng. Cháy: Hút thuốc gây nên cháy. Ở Anh, hầu hết các vụ chết người do cháy gây ra là do hút thuốc lá và sử dụng diêm, người hút thuốc gây nên hơn 9000 vụ cháy nghiêm trọng ở Anh mỗi năm, làm chết 200 người và bị thương 2000 người. Cháy rừng ở Trung Quốc đã quét sạch rừng Đông Bắc năm 1985, cán bộ lâm nghiệp bị bắt do vứt đầu mẩu thuốc lá xuống cỏ. Trong vụ cháy này, 1,3 triệu ha đất bị tàn phá, 300 người bị chết, và 5000 người bị mất nhà. Trên phạm vi toàn cầu, ước tính mỗi năm, thuốc lá gây ra thiệt hại khoảng 500 tỷ đô la Mỹ và khoảng một triệu vụ cháy mỗi năm. Hút thuốc gây nên khoảng 30% tổng số người chết ở Mỹ vì hỏa hoạn và 10% trên toàn thế giới, với tổng chi phí 5,34-22,8 tỷ đô la Mỹ cho nước Mỹ, và 8,2-89,2 tỷ đôla Mỹ cho toàn thế giới. Ở Việt Nam, tàn thuốc cũng thiêu rụi hàng chục ha rừng mỗi năm. Trong thuốc lá có 7000 chất hóa học, phần lớn lá các chất độc hại trong đó khoảng 70 chất là tác nhân gây ung thư. Khi hút thuốc các chất đó đều được tung vào không khí gây ô nhiễm. Ngoài ra, các chất độc này còn tỏa ra không khí ngay cả khi trồng trọt, chế biến thuốc lá. Thuốc lá là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh tật và tử vong nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu mọi người thực hiện nghiêm theo những quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thiết lập môi trường không có khói thuốc lá đã được chứng minh là cách tiếp cận đơn giản, hiệu quả để dự phòng phơi nhiễm và tác hại liên quan đến thuốc lá. Do vậy, chung tay xây dựng môi trường không khói thuốc lá là biện pháp hiệu quả để bảo vệ mọi người không tiếp xúc với khói thuốc lá.
Hải Hoàn
Rate this post