(Cổng ĐT HND) – Tổ chức Y tế Thế giới đã chọn ngày 31/5 hàng năm làm ngày Thế giới không thuốc lá, ban hành Hiệp ước khung phòng chống tác hại thuốc lá và đã được nhiều nước tham gia, đưa ra những quy định, hình thức nhặm giảm thấp số người hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường. Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, có hiệu lực thi hành vào tháng 01/5/2013.
Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá là biện pháp hữu hiệu nhằm tiến tới một môi trường không khói thuốc |
Trên thực tế việc thực thi Luật vẫn còn nhiều việc cần thực hiện dần, có trọng tâm để hợp tình, đúng lý và có hiệu quả. Trong đó vấn đề nâng cao nhận thức của người dân về tác hại thuốc là rất được coi trọng.
Kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thực hiện lần thứ hai tại Việt Nam cho thấy, trong 5 năm qua, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà giảm từ 73,1% xuống 60%; tại nơi làm việc giảm từ 56% xuống 42%; tại trường học giảm từ 22,3% xuống 16,15%; trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%… Điều này cho thấy nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá cũng như ý thức tuân thủ các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để đạt được những kết quả khả quan hơn cần sự chung tay của cả cộng đồng nhằm triển khai các giải pháp đồng bộ như:
Tuyên truyền tích cực, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng và lưu ý việc đẩy mạnh truyền thông trực tiếp với những đối tượng nông dân ít tiếp cận với thông tin, không thích lý thuyết dài dòng mà chỉ cần có người làm gương trước để làm theo.
Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường không thuốc lá từ bệnh viện, trường học, công sở và gia đình. Có thể nói, đây là khâu then chốt vì là nơi chúng ta có thể bắt đầu thực hiện nghiêm Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Tuyên truyền, đưa công tác phòng chống tác hại thuốc lá vào nội quy thi đua khen thưởng hàng năm, lãnh đạo và cán bộ cốt cán làm gương, có sự đấu tranh của những người bị hút thuốc lá thụ động trong đơn vị đồng thời cơ quan biểu dương, khen thưởng người bỏ hút thuốc lá. Từ đó trong đơn vị xuất hiện tâm lý đám đông và người hút thuốc lá thấy khó khăn mỗi khi hút thuốc nên buột phải giảm dần số lần hút thuốc đến lúc sẽ quyết định “bỏ hút thuốc”.
Hiện, 80% người dân sống ở nông thôn. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền tác hại thuốc lá từ Hội Nông Dân cho nông dân, từ Hội LH Phụ nữ cho phụ nữ. Tại gia đình, người hút thuốc biết rõ tác hại thuốc lá, không ai lại “nỡ đầu độc con, cháu mình” bằng khói thuốc lá nên họ buột phải ra ngoài nhà để hút thuốc hoặc là quyết định “bỏ thuốc lá” vì sức khỏe chính mình và của người thân.
Bệnh viện là nơi điều trị người bệnh, thường có loa phát thanh tuyên truyền không hút thuốc lá trong bệnh viện, lại có lực lượng bảo vệ giám sát, người nhà bệnh nhân nhắc nhở thì không ai có thể “coi thường việc cấm hút thuốc lá”. Các thầy thuốc không hút thuốc lá trong bệnh viện vì phải chấp hành nội quy cơ quan đồng thời phải là người làm gương không hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trường học là nơi tập trung những mầm non tổ quốc, tương lai của nước nhà, Luật phòng chống tác hại thuốc lá cấm hút thuốc tuyệt đối trong khuôn viên trường học. Tuyên truyền lồng ghép vào bài học tạo ra tâm lý các em “ghét thuốc lá vì hại sức khỏe”, thầy giáo phải tự giác gương mẫu không hút thuốc lá. có biển ghi rõ “Cấm hút thuốc trong trường học” ở ngay lối vào trường giúp cho khách đến liên hệ với trường học cũng phải thực hiện.
Nghiêm cấm các hoạt động quảng cáo thuốc lá. Hiện nay, quảng cáo thuốc lá với nhiều chiêu trò tinh vi, đẹp mắt, hấp dẫn… nhằm giử chân những người đang hút thuốc và lôi cuốn, hấp dẫn những bạn trẻ tò mò muốn thử nghiệm cảm giác hút thuốc lá. Vì vậy, cần kiểm soát nghiêm việc quảng cáo thuốc lá và buôn bán thuốc lá đúng Luật trên địa bàn quản lý: đây là khâu các cơ quan chức năng có thể thực hiện tốt Luật phòng chống tác hại thuốc lá mà không bị vướng trở ngại gì. Không cho quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức, không được bán thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi, không được bán thuốc lá trong căn – tin bệnh viện, trường học. Phạt đúng luật, để tạo sự ngăn cách thuốc lá với người chưa biết hút thuốc lá, cộng với tuyên truyền tích cực sẽ tạo được tâm lý ghét thuốc lá trong giới học sinh, sinh viên vì lý do thẫm mỹ, sức khỏe và kinh tế.
Nhà nước phải ban hành các chính sách đánh thuế sản xuất thuốc lá thật cao làm tăng giá thuốc lá và hảng sản xuất thuốc lá phải nộp 1 – 2% tiền thuế vào Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá. Đây cũng là biện pháp chủ lực vì giá thuốc quá cao nên không phải ai cũng đủ khả năng để “đốt tiền hút thuốc”, nhất là trẻ em, học sinh lại càng khó có tiền để hút thuốc. Góp tiền thuế vào Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá để có kinh phí hoạt động tuyên truyền sâu rộng. Việc điều chỉnh này Nhà nước cần nghiên cứu thực hiện sớm.
Mặt khác, nhừng người càng có uy tín, lãnh đạo phải làm gương thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Công bằng mà nói, trước kia chúng ta không hề có việc đưa ra cảnh báo tác hại thuốc lá chứ nói gì đến cấm hút thuốc. Trong cuộc sống, việc chia sẻ cho nhau điếu thuốc còn là thể hiện tình cảm với nhau hoặc có một thời đã như là một nguyên tắc giao tế với “điếu thuốc miếng trầu là đầu câu chuyện”. Cho nên có khá nhiều người hút thuốc đã lâu đến vài ba chục năm, nay bỏ thuốc lá là điều không phải dễ. Chỉ cần người đó tha thiết khuyên lớp trẻ coi “việc hút thuốc” như là một giai đoạn lịch sử mà bây giờ các bạn đang có không thiếu gì những phương tiện giải trí hay, điều kiện học tập tốt hơn nhiều, thì nên dành sức khỏe, tiền bạc, thời gian… để phấn đấu vươn lên hơn là tập hút thuốc lá.
Thêm vào đó, ngành y tế nên có văn bản hướng dẫn cụ thể việc cơ sở y tế thành lập bộ phận chuyên tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, kê toa, cung cấp thuốc Nicotine các dạng (giá cả ưu đãi) để hỗ trợ đối với những người hút thuốc lá quá nhiều (hơn một gói/ ngày) hoặc người hút thuốc lá lâu năm bỏ hút thuốc dễ thành công hơn.