|
||
Ảnh minh họa |
Bộ Y tế vừa công bố kết quả điều tra lần thứ 2 về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2015 (GATS 2015). So với cuộc điều tra GATS đầu tiên được thực hiện vào năm 2010, kết quả cuộc điều tra lần 2 này đã cho thấy có nhiều sự thay đổi.
Theo kết quả điều tra lần thứ 2 về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2015, tổng số người hút thuốc của nước ta hiện khoảng 15,6 triệu người, trong đó chủ yếu là nam giới với 45,3%.
Tính từ năm 2010 đến 2015, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới tại khu vực nông thôn vẫn không thay đổi, thì tỷ lệ nam giới ở thành thị hút thuốc lá đã giảm gần 7%.
Cùng đó, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở hầu hết các địa điểm công cộng cũng giảm mạnh: Số người hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc đã giảm 13,3% (từ 55,9% xuống 42,6%); số người hút thuốc lá thụ động tại cơ sở chăm sóc y tế giảm 5,2% (từ 23,6% xuống 18,4%); tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại các trường đại học, cao đẳng giảm mạnh đến 16,4% (từ 54,3% xuống 37,9%); tỷ lệ hút thuốc lá trên các phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (từ 34,3% xuống còn 19,4%)…
Thuốc lá điện tử cũng bắt đầu được sử dụng nhiều hơn với tỷ lệ 0,2% người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên hút thuốc…
Điều tra GATS 2015 cũng cho thấy sau khi điều chỉnh lạm phát, giá trung bình của một bao thuốc 20 điếu có xu hướng giảm (12.700 đồng/bao năm 2010 và 11.819 đồng/bao năm 2015).
Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam, gây ra khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm – tức là hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030. Ngoài việc hút thuốc lá, hiện cũng có nhiều loại thuốc khác nhau đang được sử dụng: Thuốc lào, thuốc lá nhai, thuốc lá điện tử và shisha. Hiện có 1,4% dân số sử dụng thuốc lá nhai, tỷ lệ sử dụng thuốc lá nhai của nữ cao hơn nam. Tỉ lệ sử dụng shisha là 0,1%.Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi môi trường không khói thuốc. Việc thành lập nhóm hành động hoặc cán bộ thanh tra chuyên ngành, chuyên giám sát việc thực hiện môi trường không khói thuốc và thiết lập đường dây nóng phản ánh vi phạm sẽ giúp Việt Nam thực hiện được môi trường không khói thuốc.
Để giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới, các cơ quan, đơn vị và người dân cần phải có cam kết cụ thể và mục tiêu rõ ràng. Đối với người không hút thuốc thì cam kết, phấn đấu không hút thuốc; người đang hút giảm hút và tiến tới bỏ thuốc lá; có khu vực hút thuốc lá dành riêng cho người hút thuốc tại các cơ quan, đơn vị… Ngoài ra, theo bà Soc Escalante, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới – Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh thực thi quy định cấm hút thuốc tại nơi công cộng, nhất là trong các nhà hàng, quán bar, quán cà phê; tăng cường truyền thông để duy trì và hướng tới thay đổi hành vi của người hút thuốc. Các nhà xã hội học thống kê, nếu số tiền mua thuốc hút được dùng để mua thực phẩm hoặc chi tiêu cho các nhu cầu cần thiết khác của hộ gia đình, hơn hai triệu người Việt Nam có thể thoát nghèo.