Đó là tâm sự của anh Dương Thanh Bình, nguyên là cán bộ Văn phòng Công ty Apatit – người có hơn 20 năm đam mê khói thuốc lá. “Vào những buổi đi làm, thấy các anh ngậm điếu thuốc vừa nhả khói vừa xem tài liệu và vui chuyện với bạn bè mình thấy “thật là phong cách” và tôi coi đấy là thần tượng và chuẩn mực để mình vươn tới.
Lĩnh tháng lương đầu tiên tôi dành vài chục đồng mua hẳn một cây Trường Sơn – Thời những năm 80, thuốc lá Trường Sơn rất thịnh hành và phù hợp với túi tiền hạng viên chức loại xoàng như tôi. Sáng đến cơ quan tự tay bóc bao thuốc, mời từng người, tôi thấy hãnh diện và tự tin lắm. Cứ thế, con đường làm quen và gắn bó với thuốc lá của tôi đến tự nhiên lúc nào không hay bất chấp những lời can ngăn và sự chê trách bóng gió của xã hội và người thân”, anh Bình kể.
Nghiện thuốc lá, tôi thấy mất nhiều hơn được
Với mức lương một kỹ sư mới ra trường trên 60 đồng (thời năm 1980), trừ nộp tiền ăn tập thể và mua lẻ từng bao thuốc mỗi ngày, tôi chẳng tích lũy được đồng nào cho mẹ và các em, thậm chí mỗi lúc gia đình có việc tôi thường phải đi giật tạm bạn bè. Thuốc lá thường đi với rượu, chè. Lâu dần người nghiện cảm thấy ít ngủ vì thức đêm. Mất ngủ và hút nhiều thuốc khiến Bình lười ăn và giảm cân đáng kể. Sau này không đủ tiền mua những loại thuốc đắt tiền, Bình thường vớ được thuốc nào hút thuốc đấy, thậm chí nhiều khi bí quá phải xin bắt tóp từ những điếu thuốc của bạn đang hút dở. Vậy là sinh ho và ốm thường xuyên.
Đi làm được 2 năm, Bình lấy vợ. Khi còn đang yêu cũng như những tháng đầu sau ngày cưới, được vợ chiều chuộng, Bình càng hút thuốc nhiều và trở nên nghiện sâu từ đó. Trừ khi đánh răng, rửa mặt, tắm và lúc ngủ say là không có thuốc trên miệng. Trong một lần vợ bận vo gạo nấu cơm, trao đứa con nhỏ cho anh bế. Vừa rít thuốc vừa bế ngửa con, không rảnh tay gạt tàn, bất thần cả đoạn tàn thuốc dài rơi xuống mặt con. Đứa bé khóc thét lên. Hai vợ chồng phải mất khá nhiều công sức mới chữa được mắt cho con khỏi bị dị tật. Một lần khác cẩn thận hơn trong lúc quấn tã con, anh bỏ điếu thuốc hút dở lên vai giường, bất thần gió thổi rơi xuống khe giường suýt gây hỏa hạn lớn. Mâu thuẫn của đôi vợ chồng trẻ xoay quanh câu chuyện cai hay không cai thuốc lá phát sinh từ đó. Theo chị L, vợ Bình, chồng chị còn có điểm xấu là hay nhổ phì phì bất cứ lúc nào, kể cả khi đang nói chuyện trực tiếp với khách hoặc lúc đang ăn cơm. Tật này không phải do bẩm sinh mà mới có từ sau những năm anh sử dụng thuốc lá vụn tự cuốn. Hồi đó chưa có thuốc đầu lọc, dùng thuốc lá sợi vụn tự cuốn, sau mỗi lần đưa thuốc lên miệng hút, các sợi vụn lại bám đầy bên môi, buộc người ta lại dùng tay quệt miệng hoặc búng hơi từ miệng đẩy chúng ra, lâu dần thành thói quen khó chữa.
Bằng ấy sự cố, bằng kia tật khó chịu, lại thêm con gái đầu lòng vài ba tháng tuổi nay ốm mai ho vì khói thuốc. Như đổ thêm dầu vào lửa, chị L vợ anh sau nhiều lần khuyên anh bỏ thuốc bất thành đã bất lực bế con ra khỏi nhà, chấp nhận sự ly thân từ đó với câu như đinh đóng cột “Bao giờ anh bỏ được thuốc lá thì mẹ con tôi về”.
Thuốc lá đi, sức khỏe và hạnh phúc trở lại
Giơ tay ra bắt tay tôi sau hơn 20 năm xa cách, mặc dù đã ở tuổi ngoài sáu mươi, nhưng lần này gặp lại, tôi thấy anh Bình như trẻ ra: da trắng, béo tốt hơn, đôi môi và các ngón tay không còn thâm cháy vì khói thuốc. Anh Bình kể, chỉ mỗi động tác bỏ không hút thuốc nữa mà tôi có được rất nhiều thứ, nhất là sức khỏe, vợ con trở lại với tôi và chúng tôi sinh thêm được 1 cháu trai, hiện vừa học xong đại học cũng đã đi làm ở Hà Nội.
Chị L. ngày nào nhăn nhó vì thường xuyên ngửi khói thuốc bất đắc dĩ từ đức ông chồng nghiện, nay đã lên bà nhưng lại béo tốt thêm ra. Chị L. bảo, bây giờ anh Bình chỉ dồn tâm sức vào chăm cây cảnh, trồng rau, nuôi cá. Hầu như thời gian rảnh anh sử dụng vào việc tưới cây, tỉa cành làm đẹp cho khu vườn 300 mét vuông bao quanh ngôi nhà hai tầng dạng biệt thự mà anh hằng tâm đắc. Trong câu chuyện bi hài xung quanh việc nghiện thuốc lá, chúng tôi đã nhẩm tính bình quân mỗi ngày một người nghiện thuốc lá hút hết 1 bao/ngày, giá mỗi bao xoàng cũng 15 – 20 ngàn đồng. Như vậy mỗi tháng, riêng khoản hút thuốc đã tiêu mất từ 400 đến 600 ngàn đồng. Số tiền này đủ mua sách vở cho một học sinh cấp một vùng cao đi học bình thường. Ấy là chưa kể tác hại của thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người hút và khói của nó phát tán vào không khí ảnh hưởng đến sức khỏe người thân bên cạnh và cộng đồng trong xã hội.
Đến thăm gia đình, nhìn ba tấm hình anh Bình trước khi nghiện thuốc lá, trong khi nghiện và sau cai nghiện… thấy đúng là 3 con người khác hẳn nhau: Trước đó dáng thư sinh khỏe mạnh bao nhiêu thì ảnh thứ 2 tiều tụy nhom nhem bấy nhiêu. Bây giờ trong câu chuyện vui gia đình, bà L vẫn đem ba tấm hình ở ba giai đoạn của chồng mình ra để khuyên bảo các con cháu hãy tránh xa khói thuốc lá. Coi đấy là hình ảnh trực quan, sinh động mà hai vợ chồng già vẫn vui kể thay lời khuyên bảo các con cháu…
Văn Toán