Nam giới hút thuốc lá có nguy cơ liệt dương cao gấp 2 lần so với người không hút, do các thành phần độc trong thuốc lá gây xơ vữa động mạch ở dương vật, làm giảm tưới máu.
Theo giáo sư, tiến sĩ Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nhiều nghiên cứu cho thấy thói quen hút thuốc lá gây rối loạn tình dục và vô sinh ở nam giới. Cụ thể những người hút thuốc có nguy cơ bị liệt dương cao gấp 2 lần so với nhóm không hút. Nguyên nhân là những chất độc trong thuốc lá gây xơ vữa động mạch ở dương vật, làm giảm tưới máu, từ đó gây bệnh liệt dương do mạch máu. Bên cạnh đó, thuốc lá còn làm giảm số lượng tinh trùng vì các chất chuyển hóa chính của khói thuốc được tìm thấy trong tinh dịch đã kìm hãm hệ thống enzim choline acetyntransferase, một loại enzim cần thiết để tinh trùng có thể hoạt động được.
Đối với nữ giới, thói quen hút thuốc lá hoặc hút thuốc thụ động cũng gây ra rất nhiều tác hại đối với sức khỏe sinh sản, làm giảm khả năng tình dục, tăng nguy cơ vô sinh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sinh con ở phụ nữ hút thuốc lá thấp hơn khoảng 30% so với người không hút. Trong trường hợp thai phụ hút thuốc làm tăng nguy cơ sảy thai, đẻ non, giảm cân nặng trẻ sơ sinh, hạn chế hiệu quả điều trị vô sinh, gây mãn kinh sớm.
Hút thuốc lá và hút thuốc thụ động ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả 2 giới. Ảnh: NQC. |
Phân tích cho thấy trong một điếu thuốc lá có chứa nhiều chất độc như nhựa ắc ín, 7.000 chất độc hóa học, 50 chất gây ung thư, phụ gia (amoniac), monoxit cacbon (CO) góp phần gây xơ vừa động mạch, nicotin gây nghiện (1-3 mg trong một điếu)…
WHO khuyến cáo những người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp10 lần bình thường. Theo thống kê, thuốc lá gây ra 90% các ca ung thư phổi, có tỷ lệ ung thư miệng ở người hút thuốc cao gấp 27 lần và ung thư thanh quản cao gấp 12 lần nhóm không hút. Ngoài ra người thuốc lá còn gây nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ, trong đó bệnh động mạch vành là phổ biến nhất, chiếm một nửa số trường hợp tử vong vì bệnh tim do thuốc lá.
Tại “Lớp tập huấn về tư vấn cai nghiện thuốc lá cho các cán bộ y tế các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên” diễn ra từ ngày 29 đến 31/7 ở TP HCM, phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, Chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Trung bình cứ 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên có một người hút thuốc, phần lớn bắt đầu khi còn rất trẻ, 56% hút trước tuổi 20. Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra tổn hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế.
Theo điều tra tại Bệnh viện K, năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá là 96,8%. Nghiên cứu năm 2011 cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá chiếm 12%. Gánh nặng liên quan đến các bệnh không truyền nhiễm có nguyên nhân chính là thuốc lá đang gia tăng nhanh chóng. Theo ghi nhận, từ năm 1876 đến 2010, tỷ lệ bệnh không lây nhiễm tăng từ 42,6% lên 71,6%, trong khi bệnh truyền nhiễm giảm từ 55,5% xuống còn 19,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Hút thuốc lá gây ra rất nhiều bệnh. Ảnh: WHO. |
WHO xác định 6 mục tiêu chính nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá trên toàn cầu bao gồm: Giám sát việc sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá, bảo vệ mọi người khỏi phơi nhiễm với khói thuốc, hỗ trợ cai nghiện, cảnh báo về tác hại của thuốc lá, tăng cường cấm quảng cáo thuốc lá, khuyến mại và tài trợ, tăng thuế thuốc lá.
Nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá, Việt Nam đã thể hiện các cam kết thông qua việc phê chuẩn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới năm 2004 và ban hành Luật phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012. Năm 2013, Thủ tướng đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”. Trong đó quy định rõ mục tiêu đến năm 2020 là giảm tỷ lệ hút thuốc của thanh thiếu niên từ 26% xuống 18%, nam giới hút thuốc giảm từ 47,4% xuống 39%, nữ hút thuốc xuống dưới 1,4%.
Thi Ngoan