Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 9/12/2009 cho biết phần lớn dân số thế giới vẫn phải chịu tác hại của hút thuốc thụ động, nguyên nhân gây ra 600.000 cái chết mỗi năm, bất chấp lệnh cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng đã được thêm 7 nước nữa thực hiện trong năm ngoái.
Báo cáo của WHO cho biết năm 2008, khoảng 154 triệu người đã không còn phải hít khói thuốc lá tại nơi làm việc, nhà hàng, quán rượu và các không gian trong nhà khác sau khi có thêm Colombia, Gibuti, Guatemala, Mauritius, Panama, Thổ Nhĩ Kỳ và Gambia thực hiện lệnh cấm hút thuốc lá toàn diện.
Tuy nhiên, chỉ 5,4 dân số thế giới được bảo vệ bởi luật cấm hút thuốc toàn diện này trong năm 2008, cao hơn một chút so với tỉ lệ 3,1% năm 2007.
Tiến sĩ Ala Alwan, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO về các bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần, nêu rõ: “Thực tế hơn 94% dân số toàn cầu vẫn chưa được bảo vệ bởi luật cấm hút thuốc lá toàn diện cho thấy còn rất nhiều việc phải làm”.
Theo ông, cần có hành động khẩn cấp để bảo vệ con người khỏi bệnh tật và tử vong do hít phải khói thuốc lá, đặc biệt là những người không hút thuốc lá nhưng vẫn phải chịu tác hại của khói thuốc từ những người hút thuốc xung quanh.
Tiến sĩ Douglas Bettcher, Giám đốc Sáng kiến không hút thuốc của WHO nhấn mạnh WHO chọn “môi trường không thuốc lá” là tiêu điểm của Báo cáo năm 2009 không chỉ nhằm làm nổi bật tác hại của hút thuốc thụ động gây tử vong cao và những loại bệnh tật mới mà còn nhấn mạnh thiệt hại kinh tế lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Kiểm soát toàn diện đối với thuốc lá sẽ giúp các nước giảm số người bệnh tim, đột quỵ, ung thư và nhiều bệnh không lây nhiễm khác.
Hút thuốc lá vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tới hơn 5 triệu người mỗi năm.
Công ước khung của Liên hợp quốc về kiểm soát thuốc lá đã được 170 nước phê chuẩn nhưng nếu các nước không hành động để kiểm soát, số người chết hàng năm vì thuốc lá có thể lên tới 8 triệu người vào năm 2030./.