Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu giảm tỉ lệ người hút thuốc xuống dưới 39% vào năm 2020 còn rất nhiều gian nan. Bởi tại Việt Nam tồn tại 5 điểm bất lợi rất lớn trong công tác tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá.
Thuế thuốc lá thấp gần nhất thế giới
Thuế thuốc lá tại Việt Nam thấp gần nhất so với các nước trong khu vực (chỉ cao hơn Cam-pu-chia) Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam là 65%, nếu tính trên giá bán lẻ mức thuế này chỉ chiếm 41,6%.
Thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ của thuốc lá của các nước trong khu vực: Brunei: 81%, Singapore: 71%; Thái Lan:70%; Malaysia: 57%, Philipine: 53%; Myanma: 50%; Lào 43%, Việt Nam 41,6%, Campuchia: 17%.
Trong khi đó, theo Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tăng thuế thuốc lá sẽ giảm tỉ lệ hút, giảm tử vong do hút thuốc. WHO tổng kết ở nhiều quốc gia cho thấy, chỉ tăng 10% thuế bán lẻ thuốc lá, tiêu dùng chung giảm 4% ở nước phát triển, giảm 5% ở nước đang phát triển. Đặc biệt, khi tăng thuế, hút thuốc ở nhóm người nghèo, trẻ em sẽ giảm nhiều hơn, khoảng 10% ở trẻ em và người nghèo.
Nếu thuế thuốc lá tăng gấp đôi, giá thuốc sẽ tăng gấp 3, khả năng tiếp cận thuốc của người dân cũng sẽ giảm đi.
Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) nhận định đây là khó khăn lớn nhất trong việc giảm tỉ lệ hút thuốc. Bởi dù có chuyển biến tích cực trong nhận thức, nhưng tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới vẫn cao. Trong đó, việc tăng thuế chưa đủ để tăng giá thuốc khiến việc tiếp cận dễ dàng hơn. Trong khi đó tăng giá thuốc là biện pháp quan trọng để giảm sử dụng thuốc lá. Nếu không rất khó đạt giảm tỉ lệ hút thuốc lá xuống 39% vào năm 2020.
Giá thuốc quá rẻ!
Bà Hải cho biết, theo điều tra GATS 2015, giá trung bình của một bao thuốc lá (20 điếu) của Việt Nam là 11.819 đồng/bao. Mức giá này cũng rất rẻ so với các nước trong khu vực như của Singapore (192,000 đồng/bao); của Philipine (32,000 đồng/bao), Malaysia (74,000 đồng/bao)…(nguồn SEATCA – Atlas 2014).
Hơn nữa, sau khi đã điều chỉnh lạm phát, mức giá thuốc lá của chúng ta có xu hướng giảm gần 1.000 đồng/bao năm so với năm 2010.
“So với việc bỏ 100 nghìn đồng hay 10 nghìn đồng để mua một bao thuốc, rõ ràng người hút sẽ “chùn tay” hơn bởi chi phí đắt đỏ. Điều đó không chỉ mang lại lợi ích bảo vệ sức khỏe của chính người hút thuốc, mà còn giảm việc hút thuốc lá thụ động, giảm tỉ lệ mắc bệnh, tử vong do thuốc lá”, chuyên gia nhận định.
Mua thuốc lá dễ hơn mua rau!
Tại Việt Nam, thuốc lá đang được bày bán tràn lan, mọi nơi và bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận, mua được thuốc lá, kể cả ở trẻ em. Thuốc lá được bán ở quầy tạp hóa, hàng rong, quán cà phê, nhà hàng, địa điểm vui chơi, bán lưu động trên phố, quán nước vỉ hè…
Sự tiếp cận quá dễ dàng với thuốc lá cũng gây ra những khó khăn, cản trở nỗ lực trong việc cai nghiện thuốc lá, giảm tỷ lệ hút thuốc tại nước ta.
“Như tại Mỹ giá từ 7 – 8 USD một bao thuốc, trẻ em không có tiền mua. Hay nếu bạn đi Pháp sẽ thấy người ta hay xin, mua của nhau 1 điếu thuốc, vì để mua 1 bao thuốc tốn rất nhiều tiền, mấy chục đô la”, BS Lâm dẫn chứng.
Nhiều sản phẩm thuốc lá mới đánh lừa người tiêu dùng
Tại hội nghị về phòng chống tác hại thuốc lá diễn ra ở Hội An cuối tháng 10, bà Phan Thị Hải nêu lên thực trạng đáng lo ngại, khi trên thị trường Việt Nam lại xuất hiện một số sản phẩm mới “biến tướng” của thuốc lá, như shisha, Vape, thuốc lá điện tử. Thậm chí, chúng còn được được quảng bá mạnh mẽ trên nhiều trang mạng internet về tác dụng dùng các sản phẩm này giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống.
“Đáng lo ngại nhất là ở giới trẻ, khi chúng ta nỗ lực 7 năm để giảm được 1% tỉ lệ hút thuốc lá ở lứa tuổi học sinh, thì nay, với những lời quảng cáo sử dụng các sản phẩm shisha, thuốc lá điện tử… là sự sành điệu sẽ khiến nhiều bạn trẻ bị hấp dẫn, tò mò dùng thử. Và với bản chất có nicotin, các bạn sẽ rất dễ bị lạm dụng”, BS Hải nói.
Trưng bày thuốc lá phổ biến tại các điểm bán lẻ
Đây cũng là một khó khăn khiến các nhà hoạt động trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá đau đầu, Bởi việc trưng bày thuốc lá vô cùng phổ biến tại các điểm bán lẻ. Theo Điều tra năm 2015 của Trường Đại học Y tế công cộng, hơn 90% các điểm bán lẻ thuốc lá đang vi phạm quy định trưng bày quá một bao, một tút, một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá, tạo thành các điểm quảng cáo sản phẩm thuốc lá, thu hút người sử dụng.
Những khó khăn này tiếp tục đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trong thời gian tới.
Điều tra toàn cầu năm 2014 về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm từ 66,5% xuống 47,7%.
Ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên, kết quả Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS 2015) do Tổng Cục thống kê phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ công bố năm 2016 cũng cho thấy so với năm 2010 tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam có xu hướng giảm (từ 47,4% xuống 45,3%), trong đó tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị giảm 6,5%. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm 13,3%, hút thuốc thụ động tại trường đại học, cao đẳng giảm 16,4%, tại nhà hàng giảm 4,2%, trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%, hút thuốc thụ động tại cơ sở chăm sóc y tế giảm 5,2%.
Hồng Hải