Theo Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới Việt Nam, với gần 11% tổng số ca tử vong ở nam giới là do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Bên cạnh đó, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại Việt Nam cũng rất cao với 67,6% người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà và 49% phơi nhiễm tại nơi làm việc…
Tổn hại về sức khỏe và kinh tế Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, Việt Nam có khoảng 15,3 triệu người hút thuốc. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47,4% (trung bình hai nam giới có một người hút thuốc). Hai phần ba số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà; 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc… Khói thuốc chứa hơn 4.000 loại hóa chất, trong đó có hơn 200 loại chất độc hại và các chất gây nghiện đặc biệt là nicotine. Khi bị hít vào phổi thì khói thuốc làm giảm hệ thống miễn dịch và gây viêm đường hô hấp. Khói thuốc cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh đường hô hấp, ung thư phổi và nhiều bệnh khác ở người hút thuốc thụ động. Trẻ em, phụ nữ, người già là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc.
Ảnh minh họa. |
Theo ước tính tại Việt Nam, có tới 70% trẻ dưới 5 tuổi bị phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động. “Hút thuốc lá thụ động là nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm, để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe của mỗi người. Tuy nhiên hàng ngày, hàng giờ, rất nhiều người trên thế giới và Việt Nam vẫn phải hít khói thuốc của người khác”, Trưởng khoa Thăm dò và Phục hồi chức năng (Bệnh viện Phổi Trung ương) Đào Bích Vân cho biết.
Theo bà Phan Thị Hải, Phó Chánh Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam. Hàng năm, Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, và con số này đến năm 2030 có thể tăng lên tới 70 nghìn người/năm. Theo điều tra tại Bệnh viện K Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%, trong khi đó không hút thuốc lá là 3,2%. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cũng cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi trên 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2012, người Việt Nam đã bỏ ra 22 nghìn tỷ đồng cho tiêu dùng thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho chỉ 5 nhóm bệnh gồm ung thư phổi, ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra đã lên tới con số trên 23 nghìn tỷ đồng/năm. Việt Nam cam kết phòng chống tác hại của thuốc lá Trước tình hình sử dụng thuốc lá rất phổ biến và gánh nặng bệnh tật cũng như kinh tế, Việt Nam đã thể hiện các cam kết của mình thông qua việc phê chuẩn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2004 và ban hành Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. Ngày 25/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt “Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020” với mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra. Chiến lược nêu rõ, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá phải được sự quan tâm của lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và phải được coi là một nhiệm vụ thường xuyên, có tính chất liên ngành. Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá là giải pháp chủ đạo và phải được lồng ghép vào các chương trình, chiến lược về nâng cao sức khỏe để tăng cường nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, từ đó thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá trong cộng đồng. Bên cạnh đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng, cần triển khai đồng bộ các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong phòng, chống tác hại thuốc lá… Chiến lược cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020 là giảm tỷ lệ hút thuốc của thanh thiếu niên từ 26% xuống 18%, tỷ lệ hút thuốc nam giới giảm từ 47,4% xuống 39%, tỷ lệ hút thuốc nữ giới xuống dưới 1,4% và tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của người dân về thực hiện môi trường không khói thuốc… Để Luật phòng, chống tác hại thuốc lá sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh tích cực triển khai tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật đến cộng đồng xã hội, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá. Tăng thuế để giảm tiêu thụ Năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) là “Tăng thuế thuốc lá” nhằm kêu gọi các quốc gia thực hiện chính sách thuế và giá các sản phẩm thuốc lá như một biện pháp hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do sử dụng thuốc lá. Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Khi thuế thuốc lá tăng thêm 10% sẽ giúp giảm tiêu thụ thuốc lá khoảng 4% ở các nước có thu nhập cao và khoảng 8% ở hầu hết các nước có thu nhập thấp và trung bình. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá được coi là biện pháp kiểm soát thuốc lá có hiệu quả cao và chi phí thấp nhất”. Tại Việt Nam, tỷ lệ thuế thuốc lá chiếm 41,6% trên giá bán lẻ và là nước có mức thuế thuốc lá thấp gần nhất so với các nước trong khu vực như Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 71% và rất thấp so với các nước phát triển như Pháp 80%, Đức 73%, Australia 60%… Các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên cho thấy độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Có tới 21,6% nam thanh niên từ 16 đến 24 tuổi là người hút thuốc. Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng: “Do thuế thuốc lá thấp, nên giá các sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam rất rẻ đã tạo điều kiện để thanh thiếu niên dễ tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá và nhanh chóng trở thành người nghiện thuốc lá. Nhiều người trong số các em sẽ phải gánh chịu những hậu quả to lớn về sức khỏe do sử dụng thuốc lá”. “Do đó, tăng thuế chính là biện pháp hữu hiệu để hạn chế thanh thiếu niên hút thuốc, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trong dài hạn đối với cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng thuế các sản phẩm thuốc lá giúp làm tăng nguồn thu ngân sách đáng kể cho Nhà nước”, Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm khẳng định.
Để thực hiện mục tiêu mà Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 đề ra, Bộ Y tế đã đề xuất lộ trình tăng thuế thuốc lá đến năm 2019 và tiếp tục xem xét điều chỉnh thuế vào năm 2020. Theo đó, sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 105% vào thời điểm năm 2015 cho giai đoạn 3 năm (2015 – 2017); tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 105% lên 145% vào thời điểm 2018 cho giai đoạn 2 năm (2018 – 2019); tiếp tục xem xét điều chỉnh thuế vào năm 2020. Với lộ trình này, theo bà Phan Thị Hải: “Giá bán lẻ thực tế có thể tăng khoảng 20,8% vào năm 2015 và 17,1% vào năm 2018-2019, cao hơn mức tăng thu nhập đầu người cho các giai đoạn này sẽ góp phần làm giảm sức mua thuốc lá, nhờ đó tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm từ 47,4% hiện nay xuống 39% vào năm 2020; đồng thời sẽ ngăn ngừa được một số lượng đáng kể số thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc, giúp giảm tỷ lệ người hút thuốc lá trong dài hạn”. |
Nguyễn Bích Thủy