Trang chủ / Tác Hại Của Thuốc Lá / Hút thuốc lá nhẹ cũng nguy hại

Hút thuốc lá nhẹ cũng nguy hại

Cho rằng hút thuốc lá “nhẹ” sẽ không có hại hoặc đỡ hại hơn, nhiều người đã “vô tư” hút mà không biết rằng những hóa chất độc hại trong loại thuốc lá này tương tự thuốc lá thông thường.
Hút thuốc theo thói quen thành nghiện.

Là người hút thuốc đã có “thâm niên” đến 15 năm nên anh Nguyễn Đăng Hưng (Gia Lâm, Hà Nội) không dễ gì từ bỏ được thói quen “chết người” này. Cũng bởi đã nghiện thuốc lá nên mỗi ngày anh Hưng thường hút khoảng 1 bao, những lúc có vấn đề căng thẳng, một ngày anh có thể hút đến 2 bao thuốc. Thói quen hút thuốc lâu năm, lại hút nhiều đã khiến anh Hưng bị viêm họng mãn tính.

hut-thuoc-la-nhe-cung-nguy-hai

Các bác sĩ cho anh biết, chứng bệnh của anh là do hệ thống bảo vệ đầu tiên (bao gồm mũi và họng, có chức năng lọc không khí, tiết dịch ngăn chặn vi khuẩn, virus và các chất kích thích từ bên ngoài) của hệ hô hấp đã bị vô hiệu hóa bởi khói thuốc. Do hệ thống này giảm khả năng bảo vệ của mũi, họng nên đã tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus gây bệnh nguy hiểm xâm nhập và phát triển, khiến anh thường xuyên bị bệnh.

Mặc dù, anh Hưng nhận thức rõ được mức độ nguy hại với sức khỏe nhưng đối với những người nghiện thuốc lá như anh thì thú vui phả những làn khói trắng và để cho suy nghĩ thăng hoa… thật khó có gì thay thế được. Để vẫn có thể nhả khói, mà lại đỡ hại người, anh Hưng đã chuyển sang dùng loại thuốc lá nhẹ. Tuy thế, bệnh viêm họng của anh vẫn thường xuyên tái phát, những cơn ho suốt cả ngày lẫn đêm khiến anh luôn cảm thấy khổ sở và mệt mỏi. Các bác sĩ cho biết, anh còn hút thuốc sẽ còn khổ với bệnh viêm họng và nhiều thứ bệnh khác như viêm lợi, hôi miệng… thậm chí còn dẫn đến nguy cơ gây ung thư phổi, ung thư vòm họng.

Cần “nói không” với thuốc lá

Khác với anh Hưng, Trung, một sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học tại Hà Nội bắt đầu đến thuốc lá sau lần tỏ tình không thành. Trung chia sẻ: “Em chỉ hút loại thuốc lá nhẹ, sẽ không độc hại và không gây nghiện mà mùi thuốc thơm cứ như kẹo singum ấy!… Hôm đầu tiên hút thử, em và đứa bạn đã rít hết 1 bao trong một buổi tối. Hút thuốc cũng có cái thú, cứ hít vào rồi thở ra, đỡ phải suy nghĩ nhiều! Em cũng chả muốn hút làm gì nhưng buồn, chỉ biết tìm đến thuốc lá và rượu…”. Trung vô tư nói mà không biết rằng dù là thuốc nhẹ nhưng vẫn gây hại. Và cứ hút thử dần dần cậu sẽ thành nghiện lúc nào không hay.

Cũng gây ung thư

BS Phạm Hoàng Anh, tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada (HealthBridge Canada) tại Việt Nam, cho biết thuốc lá “nhẹ” không an toàn hơn thuốc lá thông thường và thực tế là không có một loại thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Cách gọi “thuốc lá nhẹ” chỉ là phương thức mà các công ty thuốc lá đánh lừa người tiêu dùng. Thực tế, những người khi đã nghiện thuốc cần một lượng nicotin đủ mới giải tỏa được cơn nghiền thuốc. Khi hút những loại thuốc được coi là “nhẹ”, có hàm lượng nicotin thấp họ sẽ phải hút nhiều hơn, hít sâu hơn và trên thực tế đưa các hợp chất độc hại vào sâu hơn trong cơ thể.

Xuất phát từ thực tế này, trong Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá quy định cấm không được sử dụng các loại tên sản phẩm có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dung như: Thuốc lá “nhẹ”, “siêu nhẹ”… Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng đã cấm sử dụng các từ, cụm từ: “ít hắc ín (low tar), nhẹ (light), siêu nhẹ (ultra light), dịu êm (mild) hoặc các từ, cụm từ khác có nghĩa hoặc cách hiểu tương tự làm cho người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm thuốc lá này ít có ảnh hưởng tới sức khỏe hơn sản phẩm thuốc lá khác.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người hút bất kể loại thuốc lá nào đều có nguy cơ ung thư phổi cao hơn nhiều lần so với người không hút. Thuốc lá gây hại cho hầu hết các bộ phận trong cơ thể và làm giảm sút sức khỏe tổng quát. Những người chuyển sang hút thuốc lá “nhẹ” thường hít một lượng hóa chất độc tương tự thuốc lá thường và họ vẫn có nguy cơ phát sinh ung thư và các bệnh khác do hút thuốc. Cụ thể, hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi, thực quản, thanh quản, miệng, hầu họng, thận, bàng quang, tụy, dạ dày và khung chậu cũng như ung thư máu dòng tủy cấp tính… Do đó, mọi người không nên hút thuốc lá, nếu hút thì cần bỏ sớm, kể cả thuốc lá “nhẹ”.

Rate this post