Trang chủ / Tin tức khác / Độc đáo nghề trồng thuốc lá ở Đồng Nai

Độc đáo nghề trồng thuốc lá ở Đồng Nai

Cây thuốc lá là loại cây công nghiệp dùng để sản xuất thuốc lá thuốc lá điếu, thuốc rê là chủ yếu. Ở một số nước còn sản xuất thuốc lá nhai, bột thuốc lá ngửi…Ngoài ra thuốc lá còn được dùng vào công nghệ hóa chất, công nghệ thực phẩm, nông học và y học.

Cuối thế kỷ thứ XIX, người ta phát hiện trong cây thuốc lá có chất nicotin, một loại chất độc hại cho cơ thể con người. Vì vậy nhiều nước đã có những luật lệ khắt khe về chống hút thuốc lá, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã ra lời khuyến cáo và yêu cầu giảm sản xuất thuốc lá.

doc-dao-nghe-trong-thuoc-la-o-dong-nai

Người ta đã nỗ lực giảm lượng nicotin trong thuốc lá bằng nhiều cách: sản xuất thuốc lá có đầu lọc, đầu lọc từ tính, lên men để giảm lượng nicotin, xử lý thuốc lá qua hơi nóng, qua nhiệt độ cao, tạo ra giống cây thuốc lá ít lượng nicotin… Tuy vậy, cho đến nay nicotin trong thuốc lá vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn, cây thuốc lá tiếp tục được gieo trồng, các nhà máy vẫn sản xuất đủ loại thuốc để cung cấp cho nhu cầu của người sử dụng.

Cây thuốc lá có nguồn gốc ở châu Nam Mỹ, sau đó được mang về trồng trước hết ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, rồi lan truyền sang các nước châu Âu, châu Á. Riêng ở Đồng Nai, cây thuốc lá đã có từ khoảng trước năm 1900, lúc bấy giờ người ta trồng thuốc lá lẻ tẻ, mang tính tự cấp, tự túc. Theo Địa chí Biên Hòa năm 1901, tỉnh Biên Hòa lúc bấy giờ có khoảng 126,20 ha, phẩm chất kém. Thời bấy giờ thuốc lá chỉ được phơi khô và đem sử dụng ngay.

Đến năm 1923, cây thuốc lá ở Biên Hòa chỉ còn khoảng 84 ha và được trồng chủ yếu trong vùng đồng bào Thượng ở núi Chứa Chan, ở đây đất đỏ rất phù hợp với cây thuốc lá. Sản lượng thuốc lá thời kỳ này khoảng 350 kg, tiêu thụ tại chỗ và được bày bán ở các tỉnh lân cận như: Thủ Dầu Một, Gò Công, Sài Gòn, Chợ Lớn.

Cũng trong thời kỳ này những đồn điền của người Âu bắt đầu trồng những cánh đồng thuốc lá đẹp, có khả năng cho sản phẩm tuyệt vời sau khi xử lý thích hợp (Địa chí Biên Hòa năm 1924 của ROBERT M).

Sau ngày miền Nam giải phóng 30 – 4 – 1975, diện tích trồng cây thuốc lá được mở rộng nhanh chóng. Năm 1995, diện tích thuốc lá toàn tỉnh lên tới 12.272 ha, đạt mức cao nhất về diện tích.

Hiện nay cây thuốc lá ở Đồng Nai được trồng nhiều nhất ở huyện Xuân Lộc với 1.690 ha; Định Quán 1100 ha; Long Thành 1044 ha; Thống Nhất 860 ha; Tân Phú 650 ha; Vĩnh Cửu 466 ha; Biên Hòa chỉ có 6 ha; riêng Nhơn Trạch không trồng bởi đất ở đây không phù hợp.

Độc đáo nghề trồng thuốc lá ở Đồng Nai

Các giống cây thuốc lá được trồng ở Đồng Nai hiện nay gồm:

Thuốc lá đen: (thuốc rê) được người dân tộc thiểu số sử dụng từ rất lâu, nay sản lượng hàng năm khoảng 500 – 1000 tấn. Loại thuốc này được người dân tộc thiểu số, người Chăm và dân vùng đồng bằng sông Cửu Long ưa chuộng. Một phần cung cấp cho Nhà máy thuốc lá Đồng Nai để sản xuất thuốc lá điếu La Ngà, Hoa Mai trước đây.

Thuốc lá nâu nặng: hiện nay được trồng nhiều ở vùng Định Quán, Tân Phú và Xuân Lộc, sản lượng hàng năm vào khoảng từ 4000 – 7000 tấn và đang giảm dần. Cung cấp chủ yếu cho Nhà máy thuốc lá Đồng Nai để sản xuất thuốc lá Trị An, thuốc lá La Ngà, Hoa Mai (người tiêu dùng không còn hút loại thuốc này nữa). Ngoài ra còn cung cấp cho các Nhà máy thuốc lá ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Thuốc lá sợi vàng: được trồng ở một số vùng Định Quán, Xuân Lộc, Long Khánh do Nhà máy nguyên liệu thuốc lá Nam của Trung ương đầu tư, sơ chế (gồm ủ, ngâm tẩm, sấy ép…) để xuất khẩu. Sản lượng thuốc sợi vàng hàng năm xấp xỉ vài ngàn tấn. Vài năm gần đây Công ty thuốc lá Đồng Nai liên doanh với Hãng thuốc lá Bastos của Pháp, nhập giống thuốc sợi vàng trồng thí điểm ở Vĩnh Cửu để sản xuất thuốc lá thơm hiệu Bastos, nhưng không thành công. Hiện nay công ty đang đầu tư trồng 9 ha thuốc lá sợi vàng giống Cô Cơ 176 tại xã Phước Thái (Long Thành), năng suất trung bình đạt 1,2 tấn/ha, cá biệt có vườn đạt 1,5 tấn/ ha. Dự kiến năm 1998 trở đi công ty sẽ đầu tư trồng 20 ha giống thuốc này tại xã Phước Thái (Long Thành).

Kỹ thuật canh tác và giống thuốc lá ở Đồng Nai từ trước đến nay ít được quan tâm (trừ thuốc lá sợi vàng do Nhà máy nguyên liệu thuốc lá Nam và Công ty Thuốc lá Đồng Nai đầu tư, bao tiêu sản phẩm). Vì vậy, năng suất thuốc lá hàng năm chỉ vào khoảng 600 đến 700 kg/ ha.

Thuốc lá là loại cây dễ trồng, ít bị thất thu do sâu bệnh, tận dụng được đất xấu nghèo dinh dưỡng và khả năng thích ứng với điều kiện sinh thái rộng. Nhưng khó nhất là xác định loại phân bón, chế độ bón phân và kỹ thuật ủ lên men, ngâm tẩm… để thuốc lá giữ được mùi vị đặc trưng, khi hút dễ cháy, tàn trắng và ít chất nicotin.

Trước đây người trồng thuốc lá ở Đồng Nai có kinh nghiệm dùng phân hữu cơ trộn với xác cá và bã đậu phộng để bón cho cây thuốc lá và được ủ trong lu hũ bằng sành. Trong các loại phân hữu cơ thì phân gà, phân vịt có hàm lượng đạm rất cao nên không được dùng, nếu có dùng thì phải ủ thật hoai, nếu không thuốc lá sẽ khó cháy khi hút, thuốc nặng, có vị đắng, mùi khét, tàn đen…

Ngày nay trồng thuốc lá mang tính chất sản xuất hàng hóa lớn, vì vậy người ta áp dụng những tiến bộ khoa học vào trồng trọt và chế biến thuốc lá, nhất là việc sử dụng phân hóa học thay phân hữu cơ. Việc xây dựng chế độ bón phân hóa học hợp lý cho từng giống cây, trên từng loại đất có tính quyết định năng suất và phẩm chất thuốc lá. Trung tâm khuyến nông của tỉnh xuất bản nhiều tài liệu bướm miễn phí, đồng thời tổ chức các buổi tập huấn đầu bờ, trình diễn kỹ thuật phục vụ cho người trồng thuốc lá.

Sâu bệnh phá hoại cây thuốc lá có nhiều loại, nhưng không thành dịch và không nguy hiểm như một số cây trồng khác: sâu xoắn cắn phá ngang cây, cành, đọt hoặc cuốn lá; sâu vằn cắn trụi lá; sâu đục quả; rầy hại thuốc, hút nhựa ở lá hoặc ngọn làm cho lá bị cong lên hoặc đốm vàng. Bệnh khảm thuốc lá là loại bệnh làm cho hình dạng cây thuốc lá không bình thường, cây bị lùn xuống. Bệnh gối đen làm tàn lụi cây. Bệnh đốm lá hay bệnh “mắt ếch” làm năng suất giảm, phẩm chất kém (lá bị rách nát)… Tuy nhiên các loại sâu bệnh kể trên, ngày nay đều có thuốc đặc trị.

Thu hoạch và sơ chế thuốc lá là một trong những khâu kỹ thuật quan trọng, quyết định phẩm chất thuốc lá. Trước đây, người ta chưa tìm ra công nghệ ủ sấy công nghiệp và ngâm tẩm, họ chỉ đơn giản hái thuốc lá xong, đem phơi khô. Ngày nay hầu hết người trồng thuốc lá ở Đồng Nai đều áp dụng công nghệ ủ sấy trong lò thủ công (lò sấy bằng củi). Lá thuốc được phân loại nhất, nhì và treo thành từng chùm trong lò sấy. Giai đoạn đầu là giai đoạn ủ để biến lá từ màu xanh sang màu vàng tươi, nhiệt độ lò sấy được giữ từ 32 – 350C, trong vòng 24 – 32 giờ, chất đạm trong lá sẽ được phân giải, tinh bột sẽ chuyển hóa thành đường, tạo mùi thơm. Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn cố định màu sắc và các chất trong lá, giữ nhiệt độ từ 39 – 52 độ C, từ 18 đến 24 giờ. Tiếp đến là giai đoạn sấy khô cuống lá (gia tăng nhiệt độ từ 50 – 80 độ C trong thời gian từ 10 – 12 giờ). Cuối cùng là giai đoạn làm dịu lá thuốc để đem đi tiêu thụ hoặc thái (xắt) thành sợi mà không bị gẫy nát.

Trước đây người trồng chỉ bán một loại thuốc lá sợi, ngày nay người ta tiêu thụ dưới 2 dạng: lá thuốc lá và thuốc lá sợi. Thuốc lá sợi bán cho các thương nhân tại nhà với giá thuốc sợi đen từ 9 – 10.000 đ/kg, thuốc lá sợi vàng từ 19 – 20.000 đ/kg. Sau đó họ đem đi bỏ mối bán lẻ tại các chợ ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây. Lá thuốc lá sấy khô được bán trực tiếp cho các đại lý thu mua của các nhà máy thuốc lá với giá rẻ hơn thuốc lá sợi cùng loại từ 1000 đ – 1500 đ/kg.

Nghề trồng thuốc lá ở Đồng Nai hiện nay là một nguồn lợi lớn. Bình quân mỗi ha thuốc lá người ta thu được lợi nhuận (lãi ròng) từ 3 – 4 triệu đồng/vụ/ha, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động khác trong các nhà máy sản xuất thuốc lá và dịch vụ. Vài năm trở lại đây thuốc lá rớt giá, nên người trồng thuốc lá thua lỗ.

Trong tương lai xa, các nhà máy sản xuất thuốc lá có thể giảm sản lượng hoặc ngưng sản xuất thuốc lá điếu, nhưng nhu cầu về thuốc hút của nhiều người vẫn còn, đặc biệt cây thuốc lá sẽ được sử dụng nhiều vào công nghệ hóa chất, đông học và y học. Do đó cây thuốc lá có thể còn tồn tại lâu dài trên đất Đồng Nai.

5/5 - (1 bình chọn)