Ngay cả khi dừng hút, tác hại của thuốc lá vẫn còn tồn tại từ 10-15 năm trong cơ thể.
TS.BS Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, cảnh báo thuốc lá chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra căn bệnh ung thư phổi, đặc biệt là những người hút thuốc nhiều và trong thời gian dài. Thống kê từ Bệnh viện K Trung ương cũng từng chỉ ra tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm tới 96,8%.
Theo các nhà khoa học người nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20-40 lần so với người không hút thuốc. Do đó, chuyên gia khuyến cáo, những người hút thuốc lá hoặc thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc nên đi khám sức khỏe để sớm phát hiện ung thư phổi.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều ngộ nhận khi hút thuốc lá khiến ngày càng nhiều người mắc căn bệnh này.
Thuốc lào không độc như thuốc lá
Bác sĩ Hoàng Đình Chân khẳng định thuốc lào và thuốc lá đều gây hại như nhau, là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi.
Chuyên gia này chia sẻ ông từng phẫu thuật cho một nữ bệnh nhân ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và phát hiện phổi của bệnh nhân này đen như bồ hóng gác bếp, giống như người hút thuốc lá đã lâu năm.
“Khi kết thúc đợt điều trị, nữ bệnh nhân này mới tâm sự có thâm niên hút thuốc lào hàng chục năm. Có thể thấy, không chỉ thuốc lá mà cả thuốc lào dù hút đã qua lọc nước nhưng vẫn rất nguy hiểm”, TS Chân khuyến nghị.
Chỉ người hút thuốc mới có thể mắc bệnh
Tại Việt Nam, 15,3 triệu người trưởng thành đang hút thuốc lá (trung bình hai nam giới có một người hút thuốc lá). Đặc biệt, cùng với đó, 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà. Nhiều người hút thuốc không biết rằng việc làm của mình sẽ đem đến nguy cơ mắc ung thư phổi cho những người xung quanh khi thường xuyên bị hút thuốc thụ động.
TS.Đinh Văn Lượng – Phó giám đốc Trung tâm Ung thư phổi Quốc gia – khẳng định tác hại hút thuốc lá thụ động giống như hút thuốc chủ động.
Theo các nghiên cứu khoa học, phần khói thuốc được thải ra có nồng độ nicotine cao gấp đôi nồng độ mà người hút thuốc hấp thụ. Mọi người đều có thể bị phơi nhiễm khói thuốc thụ động khi gia đình có người thường xuyên hút thuốc hay khi đi đến những nơi công cộng có nhiều người hút thuốc… Đặc biệt, những người nhạy cảm và thường xuyên chịu nhiều ảnh hưởng bởi khói thuốc nhất chính là phụ nữ, trẻ em và người già.
“Người không hút thường chủ quan, không chủ động phòng tránh cho tới khi đã mắc bệnh”, TS Lượng khuyến cáo.
Bỏ thuốc sẽ an toàn
Theo TS Chân, việc khám sức khỏe phát hiện sớm ung thư không chỉ được khuyến cáo đối với những người đang hút thuốc mà cả những người đã bỏ thuốc hoặc khỏe mạnh.
“Ngay cả khi dừng hút, tác hại của thuốc lá vẫn còn tồn tại từ 10-15 năm trong cơ thể. Đó là do hắc ín không thể loại bỏ ra khỏi cơ thể”, TS Chân khuyến cáo.
Hắc ín chính là sự lắng lại của khói thuốc với hàng ngàn chất hóa học và phụ gia với đặc điểm dính và nhầy như nhựa. Khi khói thuốc được hít vào phổi, các chất nhựa lắng đọng và bám vào các khoang chứa khí của phổi. Sau một thời gian, những phần bị nhựa thuốc lá bám sẽ gây ra bệnh ung thư và các bệnh về phổi.
Để đào thải các chất này ra khỏi cơ thể cần phải có thời gian. Thực tế, TS Chân đã gặp nhiều trường hợp mắc bệnh dù đã bỏ thuốc hơn chục năm. “Việc từ bỏ hút thuốc lá, thuốc lào là điều cần phải làm ngay lập tức”, TS Chân khuyến cáo.