Trang chủ / Tin tức khác / Bệnh tật và đói nghèo: Cái vòng lẩn quẩn khi sử dụng thuốc lá

Bệnh tật và đói nghèo: Cái vòng lẩn quẩn khi sử dụng thuốc lá

Ai cũng biết, thuốc lá là nguyên nhân gây ra vô số bệnh tật hiểm nghèo. Điều đó không chỉ làm người bệnh suy giảm khả năng lao động, mắc bệnh nan y, khiến kinh tế gia đình khánh kiệt, xã hội tổn thất lực lượng lao động…, mà còn làm tăng chi phí y tế quốc gia phải gánh chịu trong quá trình điều trị cho những người bị các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

“Mua” bệnh vào mình

Đến Bệnh viện phổi Đồng Nai một ngày cuối tháng 10, chúng tôi nhận thấy, trong số 230 bệnh nhân lao và phổi đang điều trị ở đây, có đến ¾ người bệnh có điều kiện kinh tế thuộc loại khó khăn. Trong đó, có những người trước đây làm chủ gia đình, làm ăn khấm khá, nhưng rồi vướng vào bệnh lao, bệnh phổi, ung thư… Giờ đây, khi cuộc đời gắn liền với bệnh viện, sa sút cả về sức khỏe lẫn gia cảnh, họ mới hiểu rằng, chính mình đã tự “mua” bệnh vào người.

Ông Nguyễn Văn Thọ (ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) mới 53 tuổi nhưng trông già như người 70. Ông bị bệnh ung thư phổi giai đoạn di căn. Từ một người khỏe mạnh, cân nặng 65 kg, giờ ông trở nên khô quắt.

Vợ ông, bà Trần Thị Hương ngày ngày chăm ông ở bệnh viện, buồn bã nói: “Trước đây ông ấy làm nghề sửa đồ điện tử, kinh tế gia đình cũng khấm khá. Nhưng ông lại có tật nghiền thuốc lá nặng. Có khi ngồi sửa máy, đứng lên vài chục đầu thuốc vương vãi xung quanh. Cách đây 3 năm, ông ấy ho, thở khó, đau ngực nên đưa đi Bệnh viện phổi Đồng Nai thì được chẩn đoán viêm phổi nặng. Qua điều trị, bác sĩ yêu cầu phải ngừng ngay thuốc lá. Sau điều trị khỏi, ông ấy lại hút. Khoảng một năm nay, ông ho ra máu, nhiễm trùng phổi thường xuyên, người mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân. Đưa ông trở lại Bệnh viện phổi tỉnh thì được chuyển lên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông ấy bị ung thư phổi đã qua giai đoạn di căn. Sau 7 tháng nằm ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, tài sản đội nón ra đi, tôi xin đưa ông về đây nằm, sống ngày nào hay ngày đó”.

benh-tat-va-doi-ngheo-cai-vong-lan-quan-khi-su-dung-thuoc-la

Còn ông Võ Tiến Sơn, 46 tuổi (ở phường Tân Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đang điều trị đột quỵ tại Khoa nội – tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã hơn một tuần nay vẫn trong tình trạng hôn mê. Sau khi làm các xét nghiệm, cũng như chụp CT, chụp mạch vành DSA, các bác sĩ cho biết, ông Sơn bị xơ vữa động mạch khá nặng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này liên quan đến “thâm niên” hút thuốc lào hơn 30 năm của ông.

Chị Võ Lan Chi, con gái ông Sơn xác nhận, cha cô nghiện hút thuốc lào từ khi còn là thanh niên. Ông làm nghề mộc, cứ bào vài cái, đục mấy búa, ông lại ra làm điếu. Đã có thời ông ho dữ dội, khó thở, rụng răng, loét miệng và tự nguyện bỏ thuốc, nhưng rồi cứ vật vã “chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.

Theo chẩn đoán của bác sĩ, ông Sơn có qua được thì cũng sống đời thực vật. Điều đó, có nghĩa gia đình ông không chỉ mất đi thu nhập từ bản thân ông Sơn, mà còn phải mất tiền thuốc thang điều trị và tất nhiên, một người khác phải bỏ việc để chăm sóc ông những ngày trên giường bệnh.

Khổ nhà, nghèo nước

Trên thế giới mỗi năm có khoảng 6 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó gần 5 triệu ca tử vong ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và đói nghèo, nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong thế kỷ 21, tổng số ca tử vong do những căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá sẽ lên tới một tỷ người – theo tính toán của Tổ chức y tế thế giới (WHO).

Tại Việt Nam, theo nhận định của HealthBridge – một tổ chức quốc tế phi chính phủ của Canada đang hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực sức khỏe và phòng chống thuốc lá, thì Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới với trung bình cứ 2 người nam giới thì có một người hút thuốc. Vì thế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 ngàn người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Tổ chức này cũng cảnh báo, con số nói trên có thể gia tăng đến 70.000 người vào năm 2030 nếu chúng ta không có những biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn đại dịch này. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng “người người hút thuốc lá”, “nhà nhà khói thuốc lá” là do giá thuốc lá ở Việt Nam lại thấp nhất thế giới và đây là nguyên nhân dẫn đến số người hút thuốc ngày một gia tăng.

Điều đáng lo ngại là có một tỷ lệ đáng kể người nghèo hút thuốc nhiều hơn người giàu và từ đó, bệnh tật ở người nghèo cũng nhiều hơn. Điều này khiến người nghèo rơi vào vòng xoáy nghèo đói và bệnh tật bủa vây.

Tại hội thảo cập nhật chính sách liên quan đến thuốc lá ở Việt Nam tổ chức ngày 19-5 mới đây tại Hà Nội, bà Nguyễn Việt Anh, cán bộ Văn phòng phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) thông tin: Điều tra của Viện Chiến lược chính sách y tế cho thấy, thuốc lá liên quan đến 12% gánh nặng bệnh tật/ tổng gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam.

Một nghiên cứu khác của HealthBridge năm 2012 trên góc độ gánh nặng kinh tế, người Việt Nam đã bỏ ra tới 22 nghìn tỷ đồng cho tiêu dùng thuốc lá mỗi năm. Nhưng tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm chỉ trong 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa – hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra, đã chiếm một con số khổng lồ là 23 nghìn tỷ đồng/ năm.

Từ thực tế của những gia đình có người bệnh tật nan y bởi thuốc lá, từ những con số thống kê của cơ quan chuyên môn cho thấy, thuốc lá – đói nghèo – bệnh tật là cái vòng luẩn quẩn của nhiều gia đình nghèo cùng với gia tăng chi ngân sách quốc gia về y tế, điều đó đang làm Việt Nam yếu đi và nghèo hơn.

Để cai thuốc lá được hiệu quả Nước súc miệng cai thuốc lá Thanh Nghị với 100% thành phần thiên nhiên giúp bạn cai thuốc lá thành công, dứt điểm và không gây tác dụng phụ.
+ Website: www.caithuoclatainha.com
+ Facebook: https://www.facebook.com/Caithuoclatainhahieuqua/

Rate this post