Trong khi nhiều người mẹ, người vợ khổ sở tìm cách khuyên nhủ những người đàn ông của họ hãy bỏ thuốc lá, nhưng vì nhiều lý do, không ít phụ nữ mỗi ngày vẫn “làm bạn” với làn khói độc hại này…
Hút thuốc lá để “giải sầu”
Chị Nguyễn Thị Ngọc Yến (45 tuổi, trú phường Bình Hiên, quận Hải Châu) cho biết, chị hút thuốc lá gần 15 năm nay. Chị Yến lấy chồng từ năm 20 tuổi, rồi liên tiếp sinh hai bé gái dễ thương, bụ bẫm. Chồng làm nghề thợ nề, chị buôn bán, cuộc sống không ít khó khăn nhưng không khí gia đình khá đầm ấm. Thế rồi, chồng bỏ đi không hẹn ngày về. Chị chết lặng trước hành động bội bạc của người chồng.
Năm đó, con gái lớn của chị lên 7, con gái nhỏ lên 5. Đứng dậy sau cơn đau, chị làm việc gấp đôi, gấp ba ngày thường để bù đắp cho các con. Nhưng công việc quần quật ban ngày có thể phần nào giúp chị quên vết thương lòng, thì đêm đến, nỗi cô đơn, trống trải, tủi phận lại dày vò khiến chị không sao chợp mắt. Chị tìm đến thuốc lá và nghiện từ lúc nào không hay. Chị Yến cho biết, sức khỏe mỗi ngày một sa sút vì thuốc lá; lần khám gần đây nhất, bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm xoang, viêm dạ dày, đen phổi. Hai con gái đã lớn, mỗi ngày vẫn khuyên chị bỏ thuốc để có thể sống lâu hơn với các con nhưng chị không bỏ được vì đã quá nghiện.
Câu chuyện làm bạn với thuốc lá của chị Hoàng Thị Giang (quận Sơn Trà) cũng không khác mấy so với chị Yến. Nhưng chị Giang đã mạnh mẽ vượt qua cú sốc gia đình đổ vỡ, vượt qua những cơn thèm thuốc dày vò mỗi đêm. Chị đoạn tuyệt với thuốc lá sau hơn 10 năm “gắn bó”. “Sau gần 3 năm bỏ thuốc, hiện tôi thấy mình rất khỏe để yên tâm chăm sóc con cháu. Tôi nghĩ mình đã làm đúng”, chị Giang xúc động.
Bên cạnh các trường hợp vừa nêu trên, không ít chị em, đặc biệt là những bạn trẻ, hút thuốc lá chỉ để chứng tỏ rằng mình sành điệu, không thua kém đấng mày râu. Một số vì bị lôi kéo, đua đòi; một số vì lối sống buông thả mà điềm nhiên bỏ ngoài tai mọi lời khuyên, phớt lờ những tác hại đáng sợ của thuốc lá.
Phụ nữ dễ mắc các bệnh vì thuốc lá hơn
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, trong số khoảng 1 tỷ người hút thuốc lá trên toàn cầu, có khoảng 200 triệu là nữ giới.
Nguy hiểm hơn là tình trạng hút thuốc lá thụ động (phơi nhiễm với khói thuốc) đã làm khoảng 600.000 người chết mỗi năm, trong đó nữ giới chiếm khoảng 64%. Những nguy hiểm từ việc hút thuốc lá hay phơi nhiễm với khói thuốc cũng được các chuyên gia của WHO đưa ra lời cảnh báo. Trong đó, hút thuốc và mang thai được coi là sự kết hợp nguy hiểm nhất. Những hóa chất độc hại có trong thuốc lá gây hại cho thai nhi và người mẹ, vì những chất này được truyền từ mẹ sang con theo đường máu làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này, thậm chí có thể gây ra các dị tật bẩm sinh. Hút thuốc lá trong thời gian mang thai có thể gây ra tình trạng sinh non, sinh con yếu ớt, nhẹ cân, vỡ ối sớm, nhau tiền đạo, sẩy thai, thai chết lưu. Trẻ em có mẹ hút thuốc lá khi mang thai sẽ có cùng hàm lượng nicotine trong máu cao như người lớn hút thuốc.
Ngoài ra, hút thuốc lá (kể cả thụ động) có thể gây vô sinh ở phụ nữ. Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra, sự sụt giảm đáng kể trong phản ứng rụng trứng và thụ tinh ở những người hút thuốc lá. Nhiều hóa chất độc hại đã được tìm thấy có thể gây ra sự biến đổi gene dẫn đến tình trạng thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, ung thư và nhiều mối lo ngại cho sức khỏe của trẻ trong tương lai.
Đối với phụ nữ bắt đầu thời kỳ mãn kinh, liệu pháp thay thế estrogen cung cấp, bổ sung cho làn da và hệ xương khớp trở nên phổ biến. Tuy nhiên, điều này càng nguy hiểm hơn đối với phụ nữ hút thuốc bởi họ có thể đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng của bệnh tim mạch, đột quỵ và nguy cơ tử vong khi sử dụng liệu pháp estrogen. Hằng năm có khoảng 34.000 phụ nữ tử vong do bệnh tim và thiếu máu cục bộ với nguyên nhân là hút thuốc lá trong thời gian dài. Mặc dù hầu hết trường hợp tử vong xảy ra đối với phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh nhưng nguy cơ mắc bệnh tim mạch liên quan đến hút thuốc ở người trẻ lại cao hơn.
Phụ nữ thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi và nhiều bệnh khác gấp 2 lần nam giới, do sức đề kháng của phụ nữ kém hơn. Do đó, kiểm soát thực trạng hút thuốc lá ở nữ giới là một phần rất quan trọng của bất kỳ chiến lược kiểm soát thuốc lá nào trên thế giới, như lời Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan: “Bảo vệ và nâng cao sức khỏe phụ nữ là điều thiết yếu nhất, không chỉ tốt cho thế hệ hôm nay mà còn cho thế hệ mai sau”.
Để cai thuốc lá được hiệu quả Nước súc miệng cai thuốc lá Thanh Nghị với 100% thành phần thiên nhiên giúp bạn cai thuốc lá thành công, dứt điểm và không gây tác dụng phụ.
+ Website: www.caithuoclatainha.com
+ Facebook: https://www.facebook.com/Caithuoclatainhahieuqua/